5 Lý Do “Kỳ Lạ” Không Ai Ngờ Về Tình Trạng Tăng Cân Khó Hiểu

Nếu bạn cứ tăng cân mà không có cách nào ngăn chặn, có thể có một số yếu tố khác đã tác động.

Dưới đây là 5 lý do “kỳ lạ” khiến bạn vẫn tăng cân mặc dù bạn đã nỗ lực rất nhiều.

1. Bạn bị mất cân bằng các hormone

Trong cơ thể chúng ta có một số hormone có chức năng kiểm soát cơn đói và giữ cho ta có một trọng lượng khỏe mạnh. Khi các hormone này bị mất cân bằng, nó có thể làm bạn tăng cân ngay cả khi bạn nghĩ rằng chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục của mình là hoàn hảo.

Bất kì sự thay đổi nào liên quan đến các hormone  như tăng giảm hàm lượng cortisol, hormone tuyến giáp, insulin và estrogen có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể. Tình trạng có thể gây thèm ăn vô độ hoặc chán ăn vô cùng. Thậm chí, sự thay đổi về hormone cortisol trong cơ thể còn gây ra rối loạn trong chuyển hóa thức ăn và trao đổi chất. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người không thể kiểm soát được cân nặng của mình. Nếu bạn muốn giảm đáp ứng này, hãy học cách kiểm soát mức độ căng thẳng.

2. Thuốc bạn đang uống gây tăng cân

Có thể thuốc bạn đang dùng vì mục đích y khoa nào đó lại gây tăng cân. Nếu cân nặng cứ tăng lên dù bạn không có vấn đề gì, thì thuốc bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân. Có một số thuốc có thể gây tăng cân. Những thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao và trầm cảm có thể làm bạn giảm cân khó khăn hơn.

Hầu hết nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) không gây tăng cân vì chúng làm tăng mức serotonin của bạn. Chất này giúp bạn cảm thấy no nhanh hơn trong bữa ăn. Tuy nhiên, có một loại thuốc trong nhóm này có tác dụng ngược lại. Paxil là thuốc điều trị chống lo âu tuyệt vời, nhưng những người dùng thuốc thường xuyên dễ bị tăng cân. Depakote, một loại thuốc được dùng để điều trị rối loạn lưỡng cực và co giật, là thuốc đã được chứng minh gây tăng cân, vì nó ảnh hưởng đến sự thèm ăn và trao đổi chất. Khoảng 30% người sử dụng Zyprexa, thuốc chống rối loạn tâm thần, tăng hơn 7% trọng lượng trong vòng 18 tháng sử dụng. Vì vậy, bạn nên lưu tâm đến các loại thuốc này.

Chúng tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn ngừng sử dụng một loại thuốc chỉ vì tăng cân, điều quan trọng là bạn cần chú ý xem toa thuốc của mình có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể hay không.

3. Bạn bị suy giáp

Tất cả chúng ta biết rằng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến cân nặng và nếu bạn nhận thấy trọng lượng của mình đang tăng dần theo độ tuổi, thì có thể là do tuyến giáp kém hoạt động. Tuyến giáp điều hòa sự trao đổi chất của hệ thống vận hành năng lượng trong cơ thể. Tuyến giáp khá nhỏ, nằm trước cổ, nhưng nó có thể ảnh hưởng lớn đến cân nặng của bạn. Khi hormone tuyến giáp sản xuất quá thấp, bạn sẽ bị tăng cân.

Cường giáp gây sụt cân đột ngột sẽ thường gặp hơn tình trạng suy giáp gây tăng cân. Hormone tuyến giáp thấp làm chậm quá trình trao đổi chất, làm cơ thể của bạn không sử dụng năng lượng hiệu quả và dự trữ nhiều năng lượng ở dạng chất béo. Bạn có thể thấy thiếu năng lượng khiến cho bạn không muốn hay khó duy trì tập thể dục. Suy giáp thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi trên 60, vì vậy nếu bạn nghĩ rằng mình bị rối loạn này, hãy đến khám bác sĩ.

4. Hệ tiêu hóa của bạn gặp vấn đề

Hệ tiêu hóa khỏe mạnh rất quan trọng trong quá trình giảm viêm, tăng cao mức năng lượng và khiến cho bạn cảm thấy khỏe mạnh. Đối với những người có vấn đề mãn tính về tiêu hóa, tăng cân có thể là một rắc rối. Chúng ta thường nghĩ các vấn đề tiêu hóa gây sụt cân vì chất dinh dưỡng không được hấp thu vào cơ thể, nhưng trong một số trường hợp, đường tiêu hóa không khỏe mạnh có thể gây tăng cân nghiêm trọng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay trào ngược axit có thể gây tăng cân ở những người đối phó với tình trạng đau đớn này bằng cách ăn nhiều thức ăn hơn. Cảm giác bỏng rát của trào ngược axit có thể tạm thời được khắc phục bằng thức ăn và nước bọt, vì vậy người bệnh ăn nhiều hơn khi họ có triệu chứng đau. Vấn đề ở đây là ăn nhiều hơn sẽ không làm giảm bớt triệu chứng về lâu dài, mà còn gây tăng cân.

Táo bón cũng có thể gây tăng cân. Nó không làm bạn tăng chất béo hay calo, mà nó làm bạn cảm thấy năng lượng giảm thấp, giảm hứng thú tập thể dục. Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích rất thường gặp, gây đầy hơi và viêm cũng có thể dẫn đến tăng cân.

5. Bạn không hấp thụ đủ vitamin

Khi nói đến các loại vitamin và tăng cân, có hai quan điểm: Những người thừa cân thì thiếu các vitamin bởi họ không ăn đủ các loại thực phẩm lành mạnh và những người bị thiếu các vitamin cũng bị thừa cân vì những loại vitamin đó rất quan trọng trong việc giữ lượng chất béo trong cơ thể thấp. Ăn trái cây và rau rất quan trọng cho sức khỏe dù cho cấu trúc cơ thể bạn như thế nào, vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng thiếu vitamin có thể gây tăng cân. Theo thống kê, có đến 40% người lớn không hấp thụ đủ lượng vitamin A, C, D, và E, cũng như canxi và magiê.

Nếu bạn không ăn rau xanh hoặc khoai lang trong một thời gian, bạn nên ăn chúng vì đây là nguồn chứa vitamin A tuyệt vời. Loại vitamin này rất tốt cho việc điều tiết các tế bào mỡ và các hormone đóng vai trò trong việc duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Hãy tiếp xúc ánh nắng mặt trời mỗi ngày để hấp thu vitamin D, vitamin này có thể giúp kiểm soát hormone đói leptin trong cơ thể. Ngoài ra, tình trạng thiếu vitamin nói chung có thể làm cho bạn cảm thấy đói hơn so với bình thường và rơi vào trạng thái chậm chạp, làm ảnh hưởng đến cân nặng của bạn.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về các loại vitamin tốt cho sức khỏe để bổ sung đủ lượng vitamin và chất xơ cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh và hạn chế tăng cân không kiểm soát nhé!

6. Hội chứng buồng trứng đa nang gây tăng cân

Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân chính gây ra hội chứng này. Dấu hiệu chính thường gặp đó chính là rối loạn kinh nguyệt, tăng cân chủ yếu là phần bụng dưới, tóc mọc dư thừa hay mụn trứng cá. Một số biến chứng có thể gặp phải khi buồng trứng có vấn đề như u nang buồng trứng, suy hoặc ung thư buồng trứng.

Nếu có những dấu hiệu trên bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra và thường xuyên khám định kì để sớm phát hiện tình trạng bất thường nhé!